Tôi có dịp trò chuyện cùng Phạm Vũ, trưởng một nhóm du lịch bằng thuyền phao tại TPHCM, và từ đây những thông tin thú vị dần được hé mở đầy thú vị về loại hình du lịch này. Xuồng phao có tên tiếng Anh là Inflatable Boat, thoạt đầu được dùng với mục đích cứu nạn và cứu hộ, do tính chất cơ động, tiện dụng và an toàn. Về cơ bản, xuồng được chia làm 3 loại chính: kayak bơm hơi chèo băng tay, xuồng phao roll up và xuồng phao racing, hai loại sau đều có thể gắn động cơ được. Và ở Việt Nam, các nhóm du lịch hầu hết đều dùng loại xuồng phao roll up. (Xuong cao su)
Ưu điểm của roll up là tính cơ động, có thể xếp lại để vận chuyển đến nơi mong muốn, sau đó bơm hơi lên và cứ thế mà đi. Điều lý tưởng của loại hình này là sự an toàn của xuồng phao, vì đây là loại xuồng để cứu hộ với thiết kế nhiều ngăn riêng biệt, chống chìm, với bề ngang xuồng được thiết kế để chống lật. Bên cạnh đó, do đặc thù ở Việt Nam các đảo đều không quá xa bờ nên việc sử dụng loại xuồng này là phù hợp. Với chiều dài gần 4 mét, động cơ 15hp, tải trọng 4 người thì xuồng có thể di chuyển với vận tốc khoảng 30km/h. Chi phí đầu tư cho một chiếc xuồng phao dao động khoảng 100 - 125 triệu nên loại hình du lịch này khá kén người chơi.
Việc trang bị tốn kém là thế nhưng với một hải trình dài còn đòi hỏi những quy định gắt gao và sự am hiểu tường tận các kiến thức về hàng hải vậy nên các thành viên của nhóm xuồng phao SG Boat Club tự trang bị cho mình kiến thức về sông nước, biển cả bằng cách tất cả thành viên đều đăng ký học lái xuồng và họ đều đạt bằng cấp xuồng trưởng hạng 3 theo tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, mỗi khi đi họ đều trang bị áo phao cho tất cả thành viên trên xuồng, cùng bộ đàm chuyên dụng cho người đi biển (chống nước), thiết bị định vị toàn cầu cầm tay cho mỗi xuồng với tiêu chí an toàn là trên hết.
Khác với nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là một loại hình quá mạo hiểm và nhiều rủi ro, nhưng thật ra với những chuẫn bị chu đáo kỹ lưỡng và sự am hiểu rõ về hành trình, chuyến đi sẽ rất an toàn. Bên cạnh đó người tham gia phải tuân thủ chặt chẽ các quy định như: luôn mặc áo phao trong suốt hành trình, các đồ đạc vật dụng luôn neo chặt vào xuồng, luôn tôn trọng các yêu cầu của trưởng nhóm…
Trong những năm qua, nhóm của Vũ đã thực hiện nhiều chuyến hải trình thú vị như: vượt biển đến với đảo ngọc Phú Quốc, hải trình ra Côn Đảo, dạo biển Ba Hòn Dầm, Phan Thiết, Cần Thơ… Đó là những chuyến hải trình lớn và cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Còn ngoài ra nhóm thực hiện nhiều chuyến đi nhỏ như đi Cần Giờ, Nam Cát Tiên, Vũng Tàu, sông Thị Vải… Qua mỗi chuyến đi, các thành viên càng thêm gắn bó thân thiết, các anh em lại chia sẻ kinh nghiệm với nhau nhiều hơn.
Vũ cũng chia sẻ, các chuyến đi nhóm đều chuẩn bị rất kỹ càng sao cho hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố phát sinh, song đôi khi vẫn không thể kiểm soát hết. Trong những trường hợp như vậy, vai trò của người trưởng nhóm hết sức quan trọng, phải biết cân nhắc có hướng xử lý phù hợp. Như chuyến chinh phục cực Đông, nhóm khởi hành từ Vạn Ninh (Khánh Hòa) với 7 thuyền gần 30 thành viên, khi gần đến điểm cực chỉ cách khoảng 5km nhưng vì sóng gió quá lớn nên dù rất tiếc Vũ vẫn quyết định hủy không đi tiếp để đảm bảo an toàn cho nhóm.
Bên cạnh đó, nhóm vẫn luôn tham gia tích cực cho các chương trình xã hội, góp phần chung tay cho các hoạt động phù hợp với loại hình của nhóm như gần đây nhất vừa tham gia vào công tác hỗ trợ cứu hộ, trọng tài cho một giải đua thuyền rồng truyền thống.
Chia sẻ với tôi, một thành viên lâu năm của nhóm cũng hết sự trăn trở, anh mong sao Việt Nam sẽ có hiệp hội về xuồng phao để loại hình du lịch thú vị này ngày càng được nhân rộng, thu hút nhiều người tham gia hơn. Qua đó góp phần làm phong phú thêm cho các hình thức du lịch tại Việt Nam.