Để tận hưởng cuộc sống cần có nhiều tiền? Đó là một nhận thức sai lầm vì nó chỉ là nhu cầu, khái niệm tinh thần.
Thật vậy, rất nhiều người trong chúng ta sống “khổ” từ bé đến lớn, cho cả đến khi chết đi hay nói theo nhận định ở trên là đã chết lâm sàng từ lâu. Khổ ở đây không phải về mặt vật chất mà khổ ở mặt tinh thần.
Rất nhiều người đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe, hạnh phúc, thời gian bên người thân yêu lấy cái gọi là công việc, sự nghiệp, địa vị và tiền bạc để rồi khi về già hoặc khi ốm đau bệnh tật thì công việc, sự nghiệp mất, sức khỏe suy sụp và sẵn sàng trả giá cao để “mua lại” sức khỏe, còn tuổi trẻ chắc chắn đã một đi không trở lại.
Nhiều trẻ em ở Việt Nam thậm chí bị đánh cắp tuổi thơ, học nhiều hơn tận hưởng thời thơ ấu, những đồng phạm tiếp tay lại chính là cha mẹ và thầy cô. Từ lớp mầm non đã phải học thêm, học đếm, học đọc, học viết, học chuẩn bị trước khi bước vào lớp một, cứ như vậy cả cuộc đời niên thiếu cho đến tận khi tốt nghiệp đại học phải đóng vai những con lừa còng lưng cõng sách vở trên vai, “chữ nghĩa kiểu thầy cô” trong đầu.
Tốt nghiệp đại học xong, những người được xã hội cho là may mắn, kiếm được việc làm ngay, bước vào cuộc sống thực tế với cơm áo, gạo tiền, làm việc từ sáng đến tối, 8h/ngày, 6 ngày/tuần. Cứ vậy cày cuốc, lo mua nhà mua cửa, mua xe, lấy vợ sinh con đẻ cái, lo sữa, bỉm, tã lót cho con, lo xin cho con đi nhà trẻ, chạy trường, chạy lớp, lo cho con thi cấp 2, cấp 3, đại học, lo xin việc cho con, rồi lo dựng vợ gả chồng, cứ vậy lo cho đến lúc chết. Một cuộc đời hoàn toàn lo âu và toan tính. Đến khi về già chép miệng thở ra: "Âu cũng là một kiếp nợ đồng lần".
Tôi nghĩ không ai trên đời này muốn sống như vậy cả nhưng thực tế nhiều người đang sống như vậy, chỉ đến khi về già có kinh nghiệm có thời gian ngẫm ra thì đã muộn. Vậy sao chúng ta không thay đổi?
Tại sao chúng ta lại vẫn cứ đi theo lối mòn của các thệ hệ đi trước? Chúng ta sợ sự khác biệt, sợ khác với đám đông? Tại sao không dám tận hưởng cuộc sống? Tại sao không dám mang lại hạnh phúc cho gia đình mình, cho những đứa con, cho những người thân yêu?
Nhiều người nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể an nhàn, tận hưởng cuộc sống khi đã có trong tay rất nhiều tiền, sau khi đã về hưu, đã phấn đấu một đời. Vâng, thế hệ tôi được dạy như thế. Nhận thức của xã hội là như thế. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ lúc đó chúng ta quá già, không còn sức khỏe, ốm yếu, bệnh tật, ăn không biết ngon, xương cốt đau nhức, nằm trên giường còn thấy khó ở chứ đừng nói làm gì, tận hưởng vào đâu?
Để tận hưởng vật chất cần có nhiều tiền? Đó là một nhận thức sai lầm. Thực tế, tại Việt Nam nhiều đại gia sống trong tòa biệt thự hoành tráng, đất đai vô số, sở hữu Roll-Royce, xài toàn hàng hiệu… nhưng trong lòng lại bất an, ăn nhà hàng hạng sang nhưng không thấy ngon, tối ngủ giường êm, đệm ấm nhưng giấc ngủ chập chờn, không an giấc.
Đến khi thức giấc lại phải đối mặt với toàn toan tính. Tất nhiên, nếu có được tất cả là điều tuyệt vời nhưng điểm quan trọng mấu chốt ở đây chính là cân bằng cuộc sống.
Bạn hãy bằng lòng với cuộc sống không có thật nhiều tiền như đại gia chỉ có mỗi thứ một chút, nhưng cân bằng cuộc sống chắc chắn sẽ rất thú vị và hạnh phúc.
Tận hưởng cuộc sống không phải là khái niệm vật chất, vì vậy không liên quan đến vật chất, không cần tiền bạc. Tận hưởng cuộc sống là khái niệm tinh thần. Đó là cảm nhận, là nhu cầu tinh thần. Bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng cuộc sống theo cách của họ, ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào.
Ngay bây giờ, bạn có thể tự cho chép bản thân mình thư giãn, nằm trên một đồng cỏ xanh, hay nhâm nhi cà phê góc phố ngắm người qua lại, hay thả hồn trong những trang sách trong góc phòng tĩnh lặng.
Hãy sống chậm lại, cảm nhận và hưởng thụ cuộc sống! Đừng để xã hội vật chất cuốn trôi bạn đi, dòng đời xô đẩy làm bạn mất kiểm soát. Cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều thú vị, dễ thương nho nhỏ, nhưng chỉ vì bước đi quá vội vã mà chúng ta bỏ qua.
Tại sao các nhạc sĩ lại cảm nhận được nốt nhạc trong cuộc sống, tại sao nhà thơ lại có thể rung động trước một nhành hoa?
Có thể họ được ông trời thiên phú cho một số tài năng, cảm nhận bẩm sinh nhưng có một điều chắc chắn họ hơn ta trong thực tế là họ đã dừng lại, đóng băng khoảnh khắc đó, cảm nhận, nâng niu, sung sướng, hạnh phúc rồi tìm những ca từ, nốt nhạc, chắt chiu, chọn lọc, chậm rãi để biến những rung động, cảm nhận cá nhân đó thành những khuông nhạc hay áng thơ.
Tất cả những cái đó đầu tiên là để thỏa mãn cá nhân, để giúp họ hưởng thụ cuộc sống sau đó mới phổ biến ra xã hội như một cách họ chia sẻ niềm vui. Họ đã dành thời gian để sống chậm lại với những khoảnh khắc, còn ta thì tua nhanh cho đến hết cuộc đời.
Hãy cảm ơn cuộc sống vì những gì mình có, cũng như chính sự hiện diện của bạn trên cuộc đời này. Nếu không là người chúng ta là cái gì? Bạn thích sự vô hình, vô tưởng, không biết đó?(Xuong cao su)
Hãy hạnh phúc khi mỗi sáng mai thức dậy thấy cơ thể khỏe mạnh, yêu đời. Hãy tận hưởng cuộc sống, hạnh phúc với những điều rất bình dị, như nô đùa cùng con trẻ, tiếng cười khúc khích của trẻ thơ, bữa ăn ấm cúng cùng gia đình, nghe thì đơn giản nhưng nhiều người để tuột qua, khi mất rồi mới thấy tiếc.
Vật chất ư? Ngay cả với những chuyên gia kinh tế học nổi tiếng thế giới như AlfredMarshall, Adam Smith hay Milton Friedman còn cho rằng công việc của họ là tìm hiểu xem con người làm những cái gì và ảnh hưởng của những hành vi này đối với xã hội loài người ra sao và kinh tế học là môn học để làm sao thu nhận được nhiều nhất từ cuộc đời.
Nếu chiếu theo lăng kính này, mỗi chúng ta có một xuất phát điểm như nhau, đều sinh ra và có số vốn bằng nhau đó là cuộc sống, đơn vị đồng tiền chính là thời gian.
Hãy làm sao thu lời lớn nhất từ cuộc đời của bạn và hãy hạnh phúc với những gì bạn có. Một trong những kịch bản phim khai thác đề tài này khá thú vị là "In Time", các bạn có thể xem để tham khảo.
Hãy chấp nhận cuộc sống với những thách thức, những vui buồn, hỉ nộ ái ố, hãy luôn mỉm cười với cuộc sống, gạt bỏ sự nhút nhát, sẵn sàng thử nghiệm và thay đổi chính mình. Thử nghiệm và Thất bại (Test & Error) là chuyện bình thường. Các nhà khoa học nghiên cứu còn thích thú với quá trình đó.
Sao bạn không áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, ví dụ bạn hay ngượng trước đám đông nhưng lại đăng ký tham gia một lớp học nhảy đầm ngoài vườn hoa. Bạn sợ độ cao nhưng đăng ký một lớp học leo núi.
Đôi lúc dám làm những điều bạn không thích có thể mang đến cho bạn những niềm vui bất ngờ, những thử nghiệm thú vị, cho bạn kinh nghiệm, kỹ năng và tăng sự tự tin.
Hãy sẵn sàng thử nghiệm, vượt qua những thách thức của bản thân, làm những điều bình thường mình sợ không dám làm miễn là không vi phạm luân thường đạo lý và trái với lương tâm.
Trong lần đi chơi trèo thuyền Kayak và leo núi ở Vịnh Hạ Long vừa rồi, người hướng dẫn viên nói với chúng tôi rằng, đoàn của chúng tôi là đoàn người Việt Nam đầu tiên. Vậy hóa ra từ trước đến nay, bao cảnh đẹp và thú vui ở ngay Việt Nam chỉ dành cho Tây chơi thôi sao? Họ phải mất tiền bay máy bay từ một nơi xa xôi đến đây để được trải nghiệm một trong những danh thắng của thế giới, còn chúng ta người bản xứ cơ mà.
Sống chậm và tận hưởng cuộc sống không có nghĩa là lười biếng, không làm gì cả mà sự thực là đòi hỏi nỗ lực 100%. Bạn muốn dậy sớm đạp xe dưới ánh ban mai, hay trong tiết trời thu lành lạnh, hít thở không khí trong lành, mùi thơm của hương hoa đất trời, đi về cà phê ăn sáng, tán gẫu cùng bạn bè nhưng lại không muốn chui ra khỏi chăn lúc trời vừa sáng. Bạn muốn lên đỉnh núi ngắm hoàng hôn nhưng không muốn leo núi. Với bất kỳ việc gì hãy nỗ lực hết sức của mình.
Không phải tất cả các phát minh khoa học đến từ lần thí nghiệm đầu tiên. Không phải tự nhiên một ai đó có thể trượt băng, trượt tuyết, đi vòng quanh thế giới, đến được những nơi thâm sơn, cùng cốc, tận cùng của thế giới, những thành phố cổ xưa với nền văn minh đã mất, dám nhảy xuống biển khơi từ những vách đá treo leo dựng đứng, chinh phục những đỉnh cao, nơi không khí loãng có thể làm chết người.
Tất cả những thứ đó đều đòi hỏi nỗ lực, nỗ lực chinh phục chính bản thân mình, nỗ lực hoàn thiện bản thân mình, nỗ lực đưa mình ra chấp nhận thách thức của thiên nhiên. Bởi vì kẻ thù lớn nhất của đời người chính là bản thân mình.